
Chuyển dạ là gì?
Chuyển dạ đẻ là một quá trình làm cho thai nhi và rau thai được đưa ra khỏi buồng tử cung qua đường âm đạo. Một cuộc chuyển dạ đẻ thường xảy ra sau một thời gian thai nghén từ 38 (259 ngày) đến 42 tuần (293 ngày) trung bình là 40 tuần (280 ngày), lúc đó thai nhi đã trưởng thành và có khả năng sống độc lập ngoài tử cung.
Đẻ non là tình trạng gián đoạn thai nghén khi thai có thẻ sống được. Chuyển dạ đẻ non xảy ra khi tuổi thai từ 28 tuần đến 37 tuần.
Đẻ già tháng là hiện tượng chuyển dạ đẻ xảy ra sau 2 tuần so với ngày dự kiến đẻ. Gọi là thai già tháng khi tuổi thai quá 42 tuần lễ.
Các giai đoạn của cuộc chuyển dạ
3 giai đoạn, thời gian mỗi giai đoạn dài, ngắn khác nhau.
+ Giai đoạn 1: Giai đoạn xoá mở cổ tử cung, tính từ khi bắt đầu chuyển dạ đến khi cổ tử cung mở hết, giai đoạn này là giai đoạn kéo dài nhất của cuộc chuyển dạ. Thời gian trung bình của giai đoạn này là 15 giờ bao gồm:
- Giai đoạn 1a: Từ khi cổ tử cung bắt đầu xoá đến khi cổ tử cung mở 3 cm gọi là pha tiềm tàng, thời gian 8 giờ.
- Giai đoạn 1b: Từ lúc cổ tử cung mở 3 cm đến 10 cm (mở hết) gọi là pha tích cực, thời gian 7 giờ.
+ Giai đoạn 2: Giai đoạn sổ thai tính từ khi cổ tử cung mở hết đến khi thai sổ ra ngoài, thời gian trung bình 30 phút, tối đa 1 giờ.
Giai đoạn này được thực hiện nhờ 2 yếu tố: sức mạnh cơn co tử cung và sự co bóp các cơ thành bụng.
+ Giai đoạn 3: Là thời kỳ sổ rau, bắt đầu từ khi thai sổ ra ngoài đến khi rau bong, xuống và sổ rau ra ngoài cùng với màng rau, thời gian 15 - 30 phút.
![]() |
Những dấu hiệu của cơn chuyển dạ
Khi sắp hạ sinh, người phụ nữ sẽ xuất hiện những dấu hiệu chuyển dạ. Có những dấu hiệu chuyển dạ thật và dấu hiệu chuyển dạ giả.
Có thể nhận biết sự chuyển dạ qua những dấu hiệu thật sau: những cơn co xuất hiện liên tục, mỗi cơn cách nhau khoảng 10 phút, bụng tụt xuống thấp và bị co bóp mạnh. Thai phụ sẽ đi tiểu nhiều và phân sẽ lỏng hơn.
Hiện tượng chuột rút cũng sẽ xảy ra khi chuyển dạ.
Khi chuẩn bị chuyển dạ, âm đạo của thai phụ sẽ chảy máu hay tiết nhiều dịch, dịch thay đổi liên tục từ loãng đến quánh và đến đặc, có thể lẫn với máu.
Vỡ nước ối là dấu hiệu chắc chắn nhất cho biết sự chuyển dạ sắp xảy ra. Thông thường sản phụ sẽ sinh sau khi vỡ nước ối từ vài tiếng đến 1 ngày.
Nên đọc

Tuy nhiên, những cơn co cũng có thể là dấu hiệu chuyển dạ giả, khi đặc điểm cơn co có tần suất thấp, ngừng lại khi di chuyển, cường độ giảm dần đi và xuất hiện ở vị trí phía trước bụng, vùng xương chậu.
Những biến cố có thể gặp khi chuyển dạ
Chuyển dạ có thể gặp một số biến cố như sa dây nhau, vỡ ối non, băng huyết. Những biến cố này rất nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và bé, cần được bác sĩ xử lý kịp thời.
Cách giảm đau khi chuyển dạ
Một số cách để giảm đau khi chuyển dạ là massage nhẹ nhàng ở lưng và tay, nghe nhạc giảm lo lắng, thở đúng cách, thở nông khi tử cung bắt đầu co và chủ yếu thở bằng miệng. Làm xao lãng bản thân cũng là một cách giảm đau hiệu quả.
Thùy Linh
Tổng hợp & BT: Thục Đoan (sinhcon.com)
